CẢI TẠO NHÀ CÓ KẾT CẤU TƯỜNG GẠCH CHỊU LỰC
Tường gạch chịu lực là dạng kết cấu nhà phố thấp tầng, nhà cấp 4 khá phổ biến với những ưu thế về tiết kiệm chi phí, thi công đơn giản và nhanh chóng. Ngoài ra, nhà trong những hẻm nhỏ hoặc những khu vực quy hoạch treo thì kết cấu tường gạch chịu lực được nhiều chủ nhà lựa chọn. Nhiều căn nhà được mua đi bán lại, sửa chữa – cải tạo để sử dụng nhiều lần.
Tuy nhiên, kết cấu tường gạch chịu lực có phải giải pháp tối ưu? Phạm vi ứng dụng thế nào, có phù hợp với nền đất khu vực của Bạn? Có nên cải tạo mở rộng, cơi nới, thậm chí nâng tầng nhà có kết cấu tường gạch chịu lực? Quá trình khảo sát thực tế để đưa ra phương án cải tạo nhà, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề khá quan trọng đối với nhà có kết cấu tường gạch chịu lực. Mời các bạn cùng xem cũng như chia sẻ thêm kiến thức cùng chúng tôi trong bài viết này nhé!
Contents
KẾT CẤU TƯỜNG GẠCH CHỊU LỰC LÀ GÌ?
Kết cấu tường gạch chịu lực hiểu đơn giản là tường gạch có chức năng chịu mọi tải trọng của ngôi nhà truyền vào. Qua những bức tường gạch chịu lực này tải trọng tiếp tục truyền xuống móng.
Một số tải trọng cơ bản của ngôi nhà gồm:
– Tải trọng thường xuyên: tải trọng bản thân các cấu kiện (tường, mái, sàn…)
– Tải trọng tạm thời (hoạt tải): người, đồ vật, nội thất, gió bão, phương tiện giao thông,…
Một số loại tường gạch cơ bản trong ngôi nhà gồm:
– Tường gạch không chịu lực: tường có chức năng ngăn chia phòng, xây chèn, bao che…Tường chỉ chịu tải trọng của bản thân
– Tường gạch chịu lực: ngoài chức năng khác thì nó phải nâng đỡ ngôi nhà, chịu lực, truyền tải trọng. Do vậy nó phải chịu tải trọng bản thân và mọi tải trọng khác trong ngôi nhà.
CẤU TẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM
Kết cấu tường gạch chịu lực khá đơn giản với sàn nằm ngang và tường thẳng đứng, cơ bản giống cái hộp.
Độ cứng, khả năng chịu lực và độ ổn định của kết cấu tường chịu lực kém hơn kết cấu khung BTCT chịu lực.
Cấu tạo:
– Tường gạch chịu lực có độ dày tối thiểu 200mm;
– Bổ trụ BTCT cho tường gạch chịu lực với cách khoảng 2m – 3m
– Giằng BTCT cho tường gạch chịu lực với cách khoảng 0.8m – 1.5m
Cấu tạo một số kết cấu tường chịu lực cơ bản:
– Tường gạch chịu lực: gạch đặc, gạch đặc kết hợp gạch lỗ, các loại gạch khác chịu nén >50kg/cm2
– Tường bê tông cốt thép chịu lực
– Tường lắp ghép chịu lực: bê tông lắp ghép, tấm Panel, Block…
PHÂN LOẠI TƯỜNG GẠCH CHỊU LỰC & PHẠM VI ỨNG DỤNG
Tùy vào vị trí, nền đất, quy mô, tải trọng và kiến trúc để bố trí loại tường gạch chịu lực. Mỗi loại sẽ có phạm vi ứng dụng linh hoạt khác nhau
– Tường gạch ngang chịu lực: Thường ứng dụng cho nhà có kiến trúc phòng đều nhau và chiều rộng phòng nhỏ. Tường ngang chịu lực và tường dọc có chức năng bao che giúp độ cứng ngang lớn. Nhưng tốn diện tích phòng, bố trí đơn điệu và tăng trọng lượng nhà khá nhiều.
– Tường gạch dọc chịu lực: Kết cấu này tận dụng được chức năng tường bao che và hỗ trợ chống nóng hiệu quả. Dễ dàng bố trí linh hoạt không gian các phòng trong nhà.
– Kết hợp tường ngang & tường dọc chịu lực: Có thể ứng dụng cho những ngôi nhà 4 – 5 tầng giúp độ cứng ổn định cả 2 phương. Tuy nhiên sẽ mất nhiều không gian sử dụng và tăng đáng kể tải trọng lên móng.
Phạm vi ứng dụng chung của kết cấu tường gạch chịu lực:
– Nhà có số tầng < 5 tầng
– Bề ngang nhỏ, thông thường <4m
– Tải trọng nhẹ, thông thường kết hợp với vật liệu nhẹ: Tấm vách – sàn nhẹ Cemboard, panel EPS, DURAflex, sàn Deck, mái tôn…
– Khu vực nền đất tốt, không chịu lực chấn động. Một số trường hợp nền đất yếu hoặc có mực nước ngầm cần phải tính toán kết cấu phần móng chắc chắn. Gia cố phần ngầm bằng cọc, cừ.
– Ứng dụng hạng mục riêng lẻ trong nhà như ban công, lô gia…
MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VÀ VẤN ĐỀ VỀ KẾT CẤU KHI CẢI TẠO NHÀ CÓ TƯỜNG GẠCH CHỊU LỰC
THÁO DỠ TƯỜNG GẠCH CHỊU LỰC
Đầu tiên phải xác định được đâu là tường gạch chịu lực trong ngôi nhà. Việc này theo chúng tôi là quan trọng nhất trong quá trình khảo sát nói riêng và trong cải tạo nhà nói chung. Các kỹ sư The Box sẽ căn cứ vào vai trò chức năng của tường gạch, vị trí bức tường, độ dày tường. Chất liệu gạch xây tường và sự thay đổi cấu trúc tường gạch (nếu đã sửa chữa),… Để nhận biết, xác định tường gạch chịu lực.
Khi đó, việc lên phương án điều chỉnh kiến trúc buộc phải đi theo lối tư duy “KHÔNG THÁO DỠ TƯỜNG GẠCH CHỊU LỰC”. Cũng có 1 số rất ít trường hợp có thể tác động 1 phần đối với không gian nhỏ có tường gạch 2 phương ngang – dọc chịu lực. Những vị trí đặc biệt đã có sự chia sẻ kết cấu chịu lực với hạng mục khác như cột chịu lực, giằng chia tải. Khi tháo dỡ cần chú ý chống đỡ các cấu kiện nhằm kiểm soát tường gạch chịu lực và an toàn lao động.
Khẳng định việc tác động lên tường gạch chịu lực sẽ ảnh hưởng kết cấu toàn bộ ngôi nhà. Nhưng vẫn còn rất nhiều công trình bị sập 1 phần hoặc toàn bộ khi tháo dỡ để sửa chữa, cải tạo.
Một số chủ nhà hoặc người thuê nhà không nhận biết tường gạch chịu lực. Có những tác động gây vết nứt theo thời gian và lan toàn bộ ngôi nhà. Tuy chưa sập nhưng thực sự nguy hiểm khi người sử dụng không đánh giá được tình trạng hiện tại.
GIA CỐ TƯỜNG GẠCH CHỊU LỰC
Tùy hiện trạng và đánh giá tình trạng kết cấu, kết hợp với giải pháp kiến trúc. Các kỹ sư The Box sẽ tính toán phương án gia cố (nếu có) tối ưu về thời gian, chi phí đối với kết cấu tường gạch chịu lực.
Cải tạo nhà có những đặc thù riêng do nhà đã xuống cấp. Kết cấu tường gạch chịu lực không nên tháo dỡ. Vị trí thi công thường không thuận lợi để máy móc thiết bị vào thi công cọc, cừ, dầm thép…Giải pháp gia cố thường tính đến là xử lý BTCT tại chỗ. Có thể kể đến như:
– Bố trí bổ trụ tường, sườn đứng BTCT giúp tăng cường độ cứng phương thẳng đứng cho tường gạch chịu lực. Khoảng cách trung bình ≤ 3m
– Bố trí giằng ngang BTCT giúp chia tải, tăng cường độ cứng, sức chịu tải và liên kết tường gạch chịu lực trong nhà. Khoảng cách trung bình 0.8m – 1.5m
– Gia cố nền đất như ép cọc, cừ tràm (nếu điều kiện thi công đáp ứng), gia cố móng, mở rộng diện tích – chiều sâu móng
– Bổ sung thêm kết cấu chịu lực giúp tăng cường độ cứng. Truyền tải trọng đối với những hạng mục cải tạo bổ sung khi cơi nới, mở rộng không gian, thay đổi kết cấu sàn.
– Chú ý vấn đề neo nối – liên kết kết cấu khi thực hiện gia cố tường gạch chịu lực.
– Chú ý hạng mục chống đỡ các cấu kiện. Kiểm soát tường gạch chịu lực trong quá trình thi công.
THAY ĐỔI CHIỀU CAO TƯỜNG GẠCH CHỊU LỰC
Xây tăng chiều cao tường gạch chịu lực hoặc tường gạch nói chung nhưng không chú ý hoặc không quan tâm vấn đề kết nối, liên kết với kết cấu của công trình. Khiến phần tường bị rời rạc, nghiêng ngả, nứt xé theo thời gian, hoặc bị đổ sập…
Quá trình khảo sát, chúng tôi chứng kiến việc thay đổi chiều cao tường gạch và hệ lụy của nó cũng khá phức tạp. Thậm chí, còn chất tải lên chính những bức tường này như lợp tôn, lợp mái, đổ sàn BTCT…. Sau khi thay đổi chiều cao mà chưa đảm bảo kết cấu vững chắc.
Việc thay đổi chiều cao tường gạch chịu lực cần tính toán kỹ lưỡng những vấn đề sau:
– Tăng cường độ cứng theo phương đứng và phương ngang bằng giằng, trụ đứng BTCT;
– Kết nối với khối kết cấu của ngôi nhà. Đảm bảo hệ thống ổn định, vững chắc, truyền tải hợp lý;
– Tính toán việc tăng tải trọng của phần xây thêm để gia cố nền đất và nền móng;
– Tính toán việc tiếp tục chất tải lên tường gạch chịu lực sau khi nâng chiều cao.
CƠI NỚI – MỞ RỘNG – NÂNG TẦNG
Một số vấn đề tương tự như khi thay đổi chiều cao tường gạch chịu lực vì đều phải tác động. Thay đổi về kết cấu chịu lực, tăng thêm tải trọng cho ngôi nhà.
Nhà ở hiện nay có tình trạng cơi nới, mở rộng hoặc nâng thêm tầng khá nhiều. Khi nhu cầu sử dụng cao hơn hoặc nhu cầu thay đổi không gian sống. Một số vấn đề đối với tường gạch chịu lực cần quan tâm như:
– Sự quả tải của tường gạch chịu lực
– Gia cố kết cấu – thiết kế kết cấu nâng tầng
– Sử dụng vật liệu khi cơi nới, nâng tầng
– Vấn đề liên kết các hạng mục thành khối thống nhất
– Thẩm định nâng tầng và giấy phép thi công
Để xem chi tiết những vấn đề, giải pháp kết cấu này. Mời các bạn tham khảo thêm bài viết “Nâng tầng nhà phố – hệ lụy lớn nếu không tìm hiểu kỹ!”
https://thebox.com.vn/nang-tang-nha-pho-he-luy-lon-neu-khong-tim-hieu-ky/
THAY ĐỔI KẾT CẤU SÀN – GIA TĂNG TẢI TRỌNG LÊN KẾT CẤU TƯỜNG GẠCH CHỊU LỰC
Ngoài việc thay đổi chiều cao, cơi nới mở rộng không gian nhà, nâng tầng nhà. Thay đổi kết cấu sàn, tăng tải trọng lên tường gạch mà không quan tâm khả năng chịu tải của tường gạch chịu lực cũng là vấn đề thường gặp. Hiện trạng nhà đã thực tế trả lời cho việc thay đổi tự do này là bị lún cục bộ, nứt, võng (chúng thường đi với nhau). Một số công trình bị nghiêng, vặn kết hợp nghiêng, đổ sập,… thực sự rất nguy hiểm.
Những ngôi nhà có kết cấu tường gạch chịu lực, thậm chí cột gạch thường sử dụng sàn gỗ, gác gỗ nhẹ, mái tôn…Theo thời gian xuống cấp đã bị thay thế bởi sàn BTCT, sàn trải tôn đổ bê tông, sàn Deck, mái bê tông, mái ngói, mái tôn nhiều lớp để cách nhiệt,….Trên bề mặt sàn lại tiếp tục được gia tải bởi ngăn chia phòng. Làm thêm nhà vệ sinh/phòng tắm và các vật dụng, đồ nội thất.
Trong cuộc sống, mỗi người với chuyên môn của mình đã và đang đóng góp cho xã hội, cho con người những giá trị to lớn. Sự phân chia lao động cũng khá rõ ràng. Mỗi người lại có 24h để đào sâu nghiên cứu về chuyên môn, cuộc sống, thú vui của bản thân để hỗ trợ lẫn nhau nhưng không lẫn vai trò của nhau. Có bệnh hãy đến gặp bác sỹ để được khám chữa kịp thời; Thay đổi hay tác động kết cấu nhà, xây dựng nhà, cải tạo nhà – hãy giao cho kỹ sư kết cấu và kiến trúc sư.