Sơ đồ quy trình thi công hoàn thiện

SƠ ĐỒ QUY TRÌNH THI CÔNG HOÀN THIỆN THE BOX

The Box giới thiệu quy trình thi công hoàn thiện  – dưới dạng sơ đồ. Mời các bạn tham khảo. 

Contents

SƠ ĐỒ QUY TRÌNH CHUNG (VỚI CÔNG TRÌNH XÂY MỚI)

SƠ ĐỒ QUY TRÌNH CHUNG (VỚI CÔNG TRÌNH BÀN GIAO THÔ)

SƠ ĐỒ QUY TRÌNH THI CÔNG CHỐNG THẤM

Vị trí chống thấm

– Những vị trí thường có nước cần thiết phải chống thấm như: sân thượng, phòng vệ sinh, ban công, lôgia, mái, vách sàn tầng hầm.

– Bê tông sàn đã được thi công, có tuổi bê tông từ 7-10 ngày có thề tiến hành chống thấm

– Tường đã tô và bỏ lại không tô 15cm phần chân tường tính từ mặt sàn.

Vệ sinh bề mặt chống thấm

– Dùng máy bắn tỉa phẳng phần 15cm chân tường chưa tô; tỉa vữa, xà bần còn dính trên mặt sàn.

– Dùng máy mài chuyên dụng để mài sạch những xà bần còn sót lại. Mài kỹ toàn bộ bề mặt sàn để tạo độ dính bám cho lớp chống thấm sau này.

– Dùng chổi hoặc máy hút bụi, quét hoặc hút toàn bộ bụi còn bám trên mặt sàn.

– Đối với các vết nứt lớn do phá hoại kết cấu cần có biện pháp xử lí triệt để, với các vết nứt trung bình nhỏ cần mở rộng vết nứt và xử lí bằng keo chuyên dụng.

Chống thấm hộp kỹ thuật, các cổ ống đi xuyên sàn và chân tường

– Bước 1: Sử dụng máy mục đục cổ ống cách ống 2 – 3 cm, đục tỉa nhẹ theo hình chữ V, thổi sạch bụi bẩn và vệ sinh sạch sẽ cổ ống. Đóng cốp pha đáy cổ ống, trộn vữa Sikagrout 214-1(SikaGrout 214 11 là vữa gốc xi măng tự san bằng, không co ngót). Sau khi vữa Grout khô tiếp tục trám cổ ống bằng Sikaflex (Sikaflex Construction AP là keo trám khe gốc Poly Urethane một thành phần để trám nhét các khe co giãn trong kết cấu công trình)

– Bước 2: Trộn vữa với Sika Latex (Sika Latex là nhũ tương cao su tổng hợp gốc butadien cải tiến dùng trộn với xi măng, vữa xi măng cát để chống thấm và gia tăng tính kết nối) để trám lại tạo phẳng bề mặt chân tường. Chiều dày trám trung bình 1-1.5cm.

Chống thấm mặt sàn

– Quét lớp chống thấm thứ 1: Quét chống thấm bằng hóa chất CT – 11A (hoặc tương đương) lên bề mặt sàn bê tông sàn, từ chân tường lên 200mm – 300mm. Vị trí ống nước trong toilet, quét cao phủ xung quanh ống âm tường.

– Quét lớp chống thấm thứ 2: Sau 6-8h quét lớp 2 vuông góc với lớp thứ nhất

Test nước và bảo vệ lớp chống thấm

– Sau 12 giờ thi công chống thấm, tiến hành phun ngâm thử nước trong vòng 24h;

– Đợi lớp chống thấm khô (từ 10 – 12 giờ) thì tiến hành trộn Sika Latex với xi măng hồ dầu quét lên bề mặt trên cùng để bảo vệ lớp chống thấm.

Một số vị trí lưu ý

– Bờ chảy mái tôn: Phủ kín mép tôn, xử lí mép bờ chảy và tôn bằng màng chống thấm chuyên dụng hoặc ép tôn, mối dán phải chồng lên mỗi bên vật liệu ít nhất 5cm.

– Khe tiếp giáp giữa tường ngoài 2 nhà liền kề: Bịt khe tiếp giáp từ phía trên để nước không lọt qua được, sử dụng phương pháp như chống thấm bờ chảy mái tôn.

– Mép tôn chồng lên sênô: Ở các điểm này thường bị tình trạng chảy ngược nếu mái tôn không đủ độ dốc hoặc nước văng, trào ngược vào khe thoáng giữa mái tôn và sênô, để tránh tình trạng này cần lưu ý thi công cấu tạo kĩ thuật hợp lí.

– Chống thấm ngược chân tường:

+ Đục bỏ toàn bộ lớp hồ tô chân tường, vệ sinh sạch sẽ

+ Lớp lót chống thấm là hồ dầu + sika latex. Dải lưới Fiber Glass.

+ Sau đó áp dụng như quy trình trên.

SƠ ĐỒ QUY TRÌNH THI CÔNG SƠN BẢ

Kiểm tra bề mặt và độ ẩm

– Bề mặt tường: Phẳng, không nứt, không ố. Góc tường vuông ke, nẹp thẳng; Sạch sẽ;

– Trần: Dán keo lưới và xử lý bột trét, phẳng – ke góc – nẹp viền

– Độ ẩm (22% – 28%) cho công tác bả bột. Độ ẩm 18% – 20% cho công tác sơn.

Bả và xả nhám

– Bả lớp lót, chờ khô 2-3h tiếp tục bả lớp 2; Độ dày khống chế khoảng 3mm

– Sau khi bả lớp 2 tối thiểu 12h (tùy điều kiện thời tiết) tiến hành xả nhám;

– Loại giấy nhám thường sử dụng có số từ 120 đến 240;

– Kiểm tra độ phẳng bẳng đèn pin để xử lý kịp thời. (Chú ý độ phẳng tại hộp điện…)

– Sau khi xả nhám, trên bề mặt có rất nhiều bụi, ảnh hưởng lớn đến khả năng bám dính của màng sơn và chất lượng bề mặt sơn hoàn thiện vì bị đóng cục lại hoặc bong tróc

Sơn lót và sơn hoàn thiện

– Kiểm tra lại độ ẩm 18%-20% trước khi sơn. Thời gian cách nhau mỗi lớp sơn tối thiểu 2h

– Sơn bằng cọ lăn (Rulo), cọ chổi hoặc súng phun (nếu thông thoáng)

– Sơn các góc cạnh bằng cọ lăn với bề rộng 100-200mm rồi sau đó dùng Rulo lăn phủ lên lớp sơn bằng cọ. Lăn sơn từ trên xuống dưới.

 –Sử dụng khay lăn sơn: Không đưa con lăn trực tiếp từ thùng sơn lên tường mà sử dụng thông qua khay lăn sơn. Rulo nhúng vào thùng sơn sau đó lăn lên khay rồi mới lăn lên tường, mục đích mang lại sự đồng nhất và hạn chế hao hụt sơn.

Một số lưu ý công tác sơn bả

– Đảm bảo ánh sáng và thông gió khi sơn trong nhà

– Sơn thải, bột bả thừa…đảm bảo vệ sinh môi trường;

– Khi dặm vá nội thất, cửa gỗ cần sử dụng băng dính 3M để tránh bong tróc màng sơn;

– Xử dụng bằng dính cho những vị trí tiếp giáp.

SƠ ĐỒ QUY TRÌNH XÂY TƯỜNG

Chuẩn bị mặt bằng – kiểm tra vật liệu

– Dọn dẹp mặt sàn sạch sẽ, nơi trộn vữa phải sạch sẽ khô ráo.

– Mac vữa xây M75

Búng mực trắc đạc

– Kiểm tra bản vẽ, định vị vị trí xây tường bằng cách búng mực vị trí tường, cửa đi, lỗ chờ, lỗ mở trên tường trước khi xây

Khoan cấy thép râu – Xây định vị chân tường – Căng dây dọi phương đứng

– Vệ sinh sạch sẽ lỗ khoan trước khi đóng râu thép

– Khoảng cách râu không quá 50cm và râu dài tối thiểu 50-60cm;

– Thép râu Ø6 hoặc Ø8. Bơm lỗ khoan bằng Sika (hoặc tương đương)

– Vệ sinh, tưới ẩm bề mặt sàn, quét 1 lớp hồ dầu lên mặt sàn làm lớp kết dính trước khi xây chân cơ;

– Căng dây làn, dây lèo để đảm bảo tường xây thẳng 

Xây tường

– Gạch xây phải tưới ẩm, tránh hút nước của vữa xây;

– Tường xây phải thẳng, mạch hồ phải đều khoảng 10 – 15 mm, không được có khe hở;

– Tường xây cao 1,2 – 1,5m đợi mạch vữa khô rồi mới xây tiếp;

Chú ý góc tường phải ke vuông góc

– Các vị trí tường xây đụng trần phải chèn gạch trần, gạch trần phải để nghiêng 45-60 độ. chèn kín vữa;

– Xây chèn khóa định tường xây tiếp giáp đáy dầm, sàn nghiêng 45-60 độ, chèn kín vữa tránh nứt tường tại vị trí này.

– Tường xây cao quá 3m6 phải có đà bê tông giằng ngang tường để đảm bảo kết cấu, tường 100 không xây qua quá 4m mà không có cột giằng cạnh biên, giằng đỉnh tường. 

Vệ sinh – bảo dưỡng tường xây

– Sau khi xây xong mảng tường thì phải miết mạch gọn, vệ sinh tường bằng chổi. Mục đích là loại trừ bụi bẩn cũng như các vữa thừa bám lên gạch. Mặc dù đây là công tác phụ nhưng cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng lớp tô tường sau này;

– Tường xây xong phải được bảo dưỡng bằng việc tưới nước bảo dưỡng mỗi ngày 1 lần, liên tiếp từ 2 đến 3 ngày.

– Tường xây sau 2 ngày mới cắt tường để đi ống M&E, cố định ống và trám vữa M75.

SƠ ĐỒ QUY TRÌNH ỐP LÁT

Công tác ốp gạch

– Chuẩn bị bản vẽ mặt bằng ốp, lát thể hiện đầy đủ cao độ, búng mực định vị xung quanh tường, đảm bảo mạch ốp trùng nhau;

– Xác định viên gạch mốc, hướng ốp lát, độ dốc. Ốp từ dưới ốp lên

– Việc rất quan trọng là kiểm tra thực tế so với bản vẽ để có phương án sắp xếp gạch đảm bảo yêu cầu về thẩm mỹ và giảm độ hao hụt gạch.

– Quá trình ốp kiểm tra mạch, độ phẳng bằng thước tầm, tia lazer, ke vuông.

Công tác lát gạch

– Định vị đường mực vuông góc;

– Xác định viên gạch mốc, hướng lát.

 –Từ viên gạch mốc tiến hành lát hàng gạch theo đường dây chuẩn đã căng sẵn để đảm bảo độ thẳng của hàng gạch.

Lưu ý: Sử dụng ke chữ thập (nên dùng ke 2÷3mm) để chỉnh khoảng cách các viên gạch theo đúng thiết kế yêu cầu.

– Lát ướt: là khi mặt cán nền vừa se mặt, bật mực trắc đạc sau đó tiến hành lát gạch.

– Lát khô: là khi mặt cán nền đã đông kết cứng, bật mực trắc đạc sau đó mới tiến hành lát gạch. Lưu ý cần tưới ẩm nền trước khi tiến hành lát.

– Vệ sinh bề mặt gạch bằng giẻ mềm, dùng bàn cào nhựa để loại bỏ vữa thừa khỏi mạch, trà mạch joint bằng keo, màu sắc keo tùy thuộc theo thiết kế yêu cầu.

– Trải thảm tấm Total Floor Covering(TFC) để bảo vệ mặt sàn, giữ ẩm và chống xước sau khi lát.

SƠ ĐỒ QUY TRÌNH TÔ TƯỜNG

Chuẩn bị mặt bằng – kiểm tra vật liệu

– Cát tô sạch, không lẫn tạp chất, có độ mịn tốt, đồng đều, sàng lọc cẩn thận;

– Vệ sinh bề mặt tường và dọn dẹp mặt bằng sạch sẽ.

Đắp mốc – ghém tường

– Dựa vào trục kiểm tra: vị trí tường, độ dày lớp vữa sẽ tô (theo thiết kế và thực tế), giám sát triển khai gắn mốc trát dưới chân tường.

– Từ các mốc dưới chân tường dùng dây dọi hoặc máy Laser đặt các mốc ở trên cao. Mặt của mốc trát là mặt phẳng tường sẽ tô trát. 

Đóng lưới chống thép chống nứt

– Các vị trí tiếp xúc giữa hai loại vật liệu khác nhau như: giữa lanh tô & tường, giữa dầm cầu thang, dầm ô thông tầng & tường gạch xây sau;

– Các vị trí đục đi ống ME , vị trí đặt đế âm thiết bị ME cần đóng bao quanh.

Tô tường

– Tưới ẩm gạch trước khi tô

– Quét hồ dầu lên các vị trí đà, cột bê tông, mối nối tô tường cũ.

– Bề dày lớp tô theo tiêu chuẩn từ 10-15mm.

– Tô 2 lớp: Lớp lót se mặt thì tô lớp 2, lớp 2 se mặt thì xoa tạo phẳng và chống nứt.

– Tô liên tục một bức tường để tránh có giáp mí sau khi tô; 

Vệ sinh – Bảo dưỡng tường tô

– Dùng chổi đốt quét sạch cát trên tường và vệ sinh tường sau khi tô xong.

– Tường tô xong sau 6h phải được tưới ẩm bảo dưỡng, việc tưới ẩm diễn ra liên tục trong 2-3 ngày sau đó

– Kết thúc công việc tô trát, mặt tường và sàn phải được vệ sinh sạch sẽ.

SƠ ĐỒ QUY TRÌNH THI CÔNG TRẦN

Búng mực – xác định cao độ trần

– Xác định cao độ: Dùng máy Laser xác định cao độ tại các khu vực thi công trần

– Búng mực định vị để xác định vị trí thanh V góc hoặc thanh Shadowline

– Lắp đặt thanh Shadowline hoặc V góc liên kết với tường (tùy theo thiết kế)

Lắp đặt khung xương trần

– Khoan lỗ để đóng nở đạn liên kết ty treo với trần, khoảng cách giữa các ty ≤1000mm. Ty đầu tiên cách tường 400-600mm chiều dài ty theo thiết kế.

– Lắp dựng thanh xương chính và xương phụ tạo thành hệ khung vững chắc;

Lắp đặt tấm trần

– Bắn vít cố định các tấm trần thạch cao, khoảng cách giữa các vít từ 250 –300mm bắt vít sole giữa các tấm;

– Dựa vào bản vẽ shop ME tiến hành định vị, khoét lỗ lắp đặt thiết bị, lỗ thăm trần;

– Dùng băng keo lướibột bả xử lý các mối nối, lỗ vít;

– Dùng thước nivo, căng dây kiểm tra mặt phẳng của trần ngay sau khi lắp đặt.

Một số lưu ý

– Tấm trần phải được lắp sole, không trùng mí, khe hở giữa hai tấm từ 2-3 mm;

– Hướng và chiều của thanh chính, thanh phụ tại các phòng lắp theo thiết kế được duyệt;

– Thiết kế chi tiết tránh đặt lỗ chờ cơ điện vào vị trí thanh xương chính, xương phụ. Trong trường hợp bắt buộc phải cắt vào vị trí thanh chính thì phải gia cố lại.

– Xử lý mối nối trần thạch cao: Làm sạch mối nối, sử dụng bột xử lý mối nối trét đầy vào khe hở giữa hai tấm trần và vị trí đầu vít sau khi trét bột xử lý mối nối 2h tiến hành dán băng lưới lên vị trí mối nối

THAM KHẢO THÊM CÁC QUY TRÌNH KHÁC CỦA THE BOX:

https://thebox.com.vn/quy-trinh-thi-cong-xay-dung/

https://thebox.com.vn/bao-gia-thiet-ke-va-quy-trinh-thiet-ke/

https://thebox.com.vn/quy-trinh-cai-tao-nha/

BẠN CẦN TÌM HIỂU KỸ HƠN, CÓ THỂ LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI QUA CÁC KÊNH THÔNG TIN ĐƯỢC CUNG CẤP SAU ĐÂY