Tổng hợp những mẫu cầu thang trong nhà ở

Cầu thang là hướng lưu thông chính, thường xuyên trong nhà ở. Ngoài tác dụng về mặt công năng đó, cầu thang còn là điểm nhấn trong kiến trúc – nội thất của căn nhà. Ở bài viết này, The Box xin được chia sẻ với các bạn kiến thức về thiết kế cầu thang trong nhà ở. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đọc sẽ có cái nhìn đầy đủ & chi tiết. Những thông tin này sẽ hỗ trợ bạn chọn cho mình 1 kiến trúc cầu thang phù hợp khi tiến hành xây  dựng căn nhà nhé!

Cầu thang được phân loại theo 2 dạng chính:

– Dựa vào kiến trúc của cầu thang để phân loại

– Dựa và vật liệu hình thành nên cầu thang để phân loại

Phân loại cầu thang theo kiến trúc

Mẫu cầu thang 1 vế

– Là cầu thang có dạng chữ I, kéo dài từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc theo 1 trục thẳng. Có hoặc không có chiếu nghỉ ở giữa. Loại cầu thang này thường xuất hiện ở các dạng nhà ống dài, hoặc nhà có chiều ngang hẹp.

– Ưu điểm: tiết kiệm không gian và diện tích nhà. Làm cho không gian rộng rãi hơn.

– Nhược điểm: chiều dài lớn, số bậc nhiều. Một số trường hợp không bố trí được chiếu nghỉ, khiến cho việc đi lại dễ bị mỏi, không phù hợp với người lớn tuổi.

Tham khảo thêm về giải pháp cầu thang trong cải tạo nhà:
https://thebox.com.vn/giai-phap-cau-thang-trong-cai-tao-nha/

Mẫu cầu thang 2 vế

– Là cầu thang có dạng chữ U, hoặc gập tay áo. Thường có chiếu nghỉ ở điểm giao nhau giữa 2 vế thang. Đây là dạng cầu thang phổ biến trong nhà phố hiện nay.

– Ưu điểm: số bậc ít, có chiếu nghỉ ở giữa tạo sự thuận tiện trong di chuyển.

– Nhược điểm: Chiếm không gian, ngăn chia không gian. Tạo cảm giác chật và bức bí cho nhà, đặc biệt là với những căn nhà phố có chiều dài ngắn.

Mẫu cầu thang 3 vế

– Là cầu thang có dạng chữ U, chia thành 3 vế rõ rệt. Dạng cầu thang này thường được bố trí ở những căn nhà phố rộng, hoặc biệt thự. Cũng có thể bố trí kèm thang máy ở giữa.

– Ưu điểm: tạo sự thông thoáng, rộng rãi cho không gian.

– Nhược điểm: chiếm diện tích lớn khi bố trí.

Mẫu cầu thang tròn, cong, xoắn

– Là dạng cầu thang có hình dạng của đường cong. Kiểu cầu thang này thường được bố trí ở sảnh trang trọng của nhà, đóng góp đáng kể vào kiến trúc phòng khách – sảnh đón. Hoặc được sử dụng trong các thiết kế tiết kiệm diện tích ở các không gian nhỏ, lối dẫn lên mái, sân thượng,…

– Ưu điểm: kiến trúc độc đáo, tạo điểm nhấn.

– Nhược điểm: thi công phức tạp, chi phí cao. Đòi hỏi người thợ phải có tay nghề – thẩm mỹ cao.

Mẫu cầu thang xương cá

– Giống như tên gọi, cầu thang xương cá có hình thù giống xương cá. Với 1 thanh chịu lực ở giữa các bậc thang. Thường là sắt hộp hoặc sắt I. Mặt bậc sắt tấm hoặc gỗ

– Loại cầu thang này thường được sử dụng trong một vài trường hợp đặc biệt, theo chủ ý thiết kế hoặc yêu cầu của khách hàng.

Phân loại cầu thang theo vật liệu

Cầu thang cũng được phân loại theo vật liệu cấu tạo và hoàn thiện.

Cầu thang bê tông cốt thép

– Đây là dạng cầu thang phổ biến và được ứng dụng rộng rãi trong nhà ở hiện nay. Cầu thang này có ưu điểm và độ bền cao, liên kết với kết cấu của căn nhà tạo nên 1 khối vững chắc.

Cầu thang sắt

– Hình thức cầu thang này chủ yếu xuất hiện ở các căn nhà cải tạo. Với ưu điểm là thi công nhanh, linh hoạt trong bố trí.

– Dạng cầu thang này cũng được sử dụng để thi công các cầu thang tròn, xoắn,…nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể của thiết kế trong từng không gian riêng biệt.

https://thebox.com.vn/50-mau-cau-thang-sat-thong-dung-trong-nha-o-hien-dai/

Cầu thang bay

– Cầu thang này góp phần tạo nên những kiến trúc độc đáo, là điểm nhấn chính của căn nhà. Với cấu tạo 1 điểm gắn vào tường và treo dạng công son, khi nhìn vào có cảm giác vế thang đang treo lơ lửng.

– Việc thi công cầu thang cần đảm bảo có tính toán đúng về kết cấu, độ mỏi của vật liệu. Kết hợp đồng bộ với vật liệu hoàn thiện – tạo nên chi tiết kiến trúc đẹp trong tổng thể căn nhà.

Quy cách thiết kế cầu thang

Phong thủy

– Cầu thang được thiết kế ngoài các tiêu chuẩn về sử dụng, còn cần đáp ứng các tiêu chí về phong thủy. Dân gian thường quan niệm vòng tròn nhân sinh là “ Sinh, lão, bệnh, tử “ và áp dụng vào trong thiết kế cầu thang.

– Số bậc thang thường rơi vào cung “ Sinh”, hoặc tương ứng với công thức 4n + 1 (5 bậc, 9 bậc, 13 bậc, 17 bậc, 21 bậc, …)

– Cầu thang thường nằm ở vị trí trang trọng, trung tâm của căn nhà. Vừa là điểm nhấn kiến trúc, vừa thuận tiện trong sinh hoạt. Người xưa cũng chú trọng về hướng thang tránh đi từ ngoài vào, nếu có thể – nên thiết kế hệ vách, lam trang trí để che chắn cái nhìn trực diện vào thang. Hoặc quay ngang bậc số 1 để điều chỉnh hướng tiếp cận thang từ bên hông,…

Quy cách bậc cầu thang

– Bậc thang thường có kích thước Dài x Rộng x Cao là 800 x 250 x 180 (mm). Kích thước này có thể xê dịch theo các thiết kế khác nhau, việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như:
+) Chiều cao tầng

+) Kích thước căn nhà

+) Bố trí kiến trúc

+) Yêu cầu cụ thể của gia chủ,…

– Kích thước trên là kích thước tham khảo, đảm bảo việc di chuyển thuận lợi theo kinh nghiệm & thực tế sử dụng.

Vật liệu sử dụng cho bậc thang

– Mặt bậc: mặt bậc thang thường sử dụng các vật liệu hoàn thiện như đá granite, gỗ, gạch, đá mài terrazo,… Việc sử dụng vật liệu nào còn tùy thuộc vào yêu cầu kiến trúc, chi phí,  thẩm mỹ,… Mặt bậc là nơi di chuyển và tiếp xúc nhiều, cần kỹ lưỡng lựa chọn các vật liệu có độ bền cao, chịu được va đập và thời tiết.

– Cổ bậc: cổ bậc thang thường sử dụng vật liệu có chi phí rẻ hơn mặt bậc. Khi sử dụng vật liệu cùng loại với mặt bậc cần lưu ý về sự dễ nhìn trong di chuyển. Tránh việc bước nhầm, hụt chân, gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng.

– Len cầu thang: tùy quan điểm, có thể có hoặc không có len cầu thang. Với sự đa dạng trong vật liệu ngày nay. Có thể sử dụng len nhựa, gạch, đá, gỗ,… Với các vật liệu có chiều dày lớn như đá, nên ốp len âm tường sẽ có tính thẩm mỹ cao, chiếm ít diện tích bề mặt bậc thang.

Tay vịn cầu thang

– Tay vịn góp phần không nhỏ vào kiến trúc cầu thang. Đa phần tay vịn gỗ được người dân ưu tiên sử dụng vì tính phổ thông, cảm giác cầm nắm ấm áp, bền đẹp theo thời gian. Tay vịn gỗ có các dạng tròn, ovan, chữ nhật, vuông,…

– Đi kèm tay vịn là hệ thống lan can, thường là sắt, gỗ, hoặc kính cường lực

– Một số kiến trúc đơn giản – hiện đại, có thể lược bỏ luôn phần tay vịn thang

Về lý thuyết là thế, để có 1 cầu thang đẹp – đồng bộ và hài hòa trong tổng thể kiến trúc căn nhà. Kiến trúc sư cần có kiến thức chuyên môn tốt, am hiểu về vật liệu & có kinh nghiệm thực tế về nghề. Kết hợp những yếu tố đó lại cùng một chủ nhà biết lắng nghe, cầu thị & phối hợp mới có 1 sản phầm cầu thang đẹp đúng nghĩa!

Chia sẻ: