GIẰNG TƯỜNG – HẠNG MỤC CHƯA ĐƯỢC QUAN TÂM KHI THI CÔNG NHÀ PHỐ
Giằng tường là gì? Vai trò – chức năng? Tại sao giằng tường chưa thực sự được quan tâm trong thi công nhà phố? Mời các Bạn cùng The Box tìm hiểu & giải đáp những câu hỏi trên nhé!
Contents
GIẰNG TƯỜNG LÀ GÌ?
Giằng tường là hạng mục kết cấu bê tông cốt thép liên kết giữa các tường xây (gồm tường bao che, tường ngăn, tường chức năng, tường ngang – tường dọc) với nhau – Và kết nối chúng với hệ khung bê tông cốt thép (cột, dầm) của công trình để tạo thành một hệ kết cấu ổn định, một khối thống nhất. Đảm bảo độ vững chắc các tấm tường, vách ngang – dọc và độ cứng cho toàn bộ không gian nhà.
Tùy theo tính toán kết cấu, tính chất biến dạng và tính chất nền của công trình. Thiết kế giằng tường đảm bảo khả năng chịu lực. Về cơ bản, thường bố trí giữa các tấm tường, cạnh trên – dưới cửa sổ giúp các góc tường không bị xé nứt và đỉnh tường (giằng đỉnh tường) để neo hệ mái đồng thời chống nứt do nhiệt độ.
CHỨC NĂNG CỦA GIẰNG TƯỜNG TRONG THI CÔNG NHÀ PHỐ
– Liên kết tường xây ngang – dọc – bao che trong công trình.
– Liên kết tường xây và hệ khung chịu lực tạo thành hệ khung ổn định.
– Liên kết đỉnh tường và trần nhà trước khi xây dựng tầng trên. Neo và liên kết đỉnh tường với mái nhà (mái tôn, mái ngói…)
– Giảm độ biến dạng cho sàn nhà, chống xoay và vặn chân cột.
– Đảm bảo và tăng cường độ cứng, bền vững cho kết cấu công trình.
PHÂN BIỆT VỚI GIẰNG MÓNG & ĐÀ KIỀNG
Giằng móng (hay dầm móng) là hạng mục kết cấu để đỡ một phần lực của tường bao che (hoặc tường ngăn trong nhà) truyền vào móng. Tùy vào từng vị trí cột của công trình mà giằng móng được bố trí nằm giữa, trong hoặc mặt ngoài của cột. Kích thước và hình dáng của giằng móng phụ thuộc vào khoảng cách cột.
Đà kiềng (hay giằng cột) là hạng mục kết cấu giúp liên kết các chân cột móng lại với nhau và nâng đỡ cột để xây tường. Đà kiềng giúp ổn định chân cột. Chống lún lệch móng và cùng với cột tạo thành bộ khung chịu lực chính cho ngôi nhà. Đà kiềng được bố trí ở vị trí chân cột và cao hơn đài móng (đế móng).
YÊU CẦU KỸ THUẬT
Giằng tường có chiều dài của tường và có độ dày 80-160mm.
Khi thiết kế cần xác định vị trí đặt giằng, kích thước, số lượng cốt thép cần thiết trong giằng để đảm bảo độ chịu lực.
Vị trí của nó phụ thuộc tính chất biến dạng của nhà. Kích thước, cốt thép, số lượng giằng xác định theo tính chất của nền.
Thông thường sẽ bố trí ở các khu vực:
– Có tường chịu lực và cần phân bố tải trọng. Đảm bảo độ cứng: tường chịu lực, ban công …
– Thông thường tường cao 800 – 1000mm sẽ bố trí giằng tường.
– Cạnh trên – cạnh dưới của cửa sổ và đỉnh tường
– Những vị trí có nguy cơ sụt lún, tải trọng nặng, tải trọng động…
TẠI SAO GIẰNG TƯỜNG CHƯA THỰC SỰ ĐƯỢC QUAN TÂM TRONG THI CÔNG NHÀ PHỐ?
Xét vấn đề vai trò chức năng trong kết cấu nhà phố
– Trong thi công nhà phố – các đội thầu thợ xây dựng thường chú ý đến “đảm bảo kết cấu vững chắc”. Chứ chưa thực sự chú tâm đến vai trò “liên kết” và “tăng cường” sự vững chắc cho kết cấu, đây lại 2 chức năng chính của giằng tường.
– Vai trò đảm bảo kết cấu vững chắc trong nhà phố thông thường giao phó cho kết cấu chịu lực chính là hệ khung kết cấu (cột – dầm – sàn)
– Những vai trò khác như kết nối, truyền tải trọng, bao che, giằng móng, giằng cột…là những sự quan tâm tiếp theo cho kết cấu. Thường giao phó cho hệ tường bao che, tường ngăn, tường chịu lực, dầm móng, đà kiềng.
– Khi đó, chúng ta thấy vai trò của giằng tường đứng sau. Chưa hoặc không được sự quan tâm trong thi công kết cấu nhà phố.
Về vấn đề chi phí & thời gian thi công
– Chi phí chiếm khoảng 20-40% giá trị phần thô của công trình.
– Thời gian thi công kéo dài hơn. Phần nào ảnh hưởng quyết định về việc có thi công hay không?
Vấn đề tải trọng & thiết kế
– Giằng tường chiếm khoảng từ 40-65% trọng lượng vật liệu của một công trình. Tăng tải trọng và tác động khá lớn đến sự thay đổi tính toán thiết kế móng – cọc của toàn công trình.
– Có thể chỉ tập trung vào những vị trí cần tăng cường khả năng chịu lực và cần phân bố tải trọng, đảm bảo độ cứng. Những vị trí có nguy cơ sụt lún, tải trọng động và những vị trí chịu tác động ngang (đặc biệt nhà nhiều tầng chịu tải gió, bão). Khi đó nhà phố thấp tầng, nhà cấp 4…có thể chỉ cần giằng đỉnh tường để liên kết mái. Giằng giữa tường để liên kết – chia tải trọng.
– Có sự tương quan khi thiết kết giữa giằng tường – khả năng biến dạng của ngôi nhà – vị trí ngôi nhà – tính chất đất nền – quy mô (chiều cao, chiều dài) của ngôi nhà,…Do vậy, khi tính toán thiết kế kết cấu có thể bố trí các hạng mục khác kết hợp đảm bảo khả năng chịu tải, khả năng làm việc của kết cấu. Phân chia đều tải trọng, đảm bảo liên kết các hạng mục kết cấu.