Sàn gỗ – Ứng dụng và phân loại

SÀN GỖ – ỨNG DỤNG VÀ PHÂN LOẠI

Sàn gỗ là vật liệu lót nền đang được ưa chuộng thay thế cho các chất liệu thông dụng khác như đá, gạch men…Trên thị trường có một số loại sàn gỗ tiêu biểu như: gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp, sàn gỗ nhựa,…

Tham khảo thêm các bài viết chuyên sâu của The Box:

https://thebox.com.vn/chuyen-muc/tin-tuc/

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA SÀN GỖ

– Tính thẩm mỹ – sang trọng: Màu sắc sang trọng, mang vẻ đẹp của tự nhiên cùng các đường vân gỗ.

– Chất lượng và bền bỉ: Vật liệu để sản xuất sàn được xử lý bằng công nghệ hiện đại. Với những tiêu chuẩn cao cấp giúp nâng cao chất lượng, độ bền đẹp và tuổi thọ.

– Khả năng chống nồm ẩm: Trong khí hậu nhiệt đới gió mùa ở nước ta, sàn gỗ ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Bề mặt sàn lại không bị “đổ mồ hôi” trong môi trường không khí có độ ẩm cao như gạch men, bê tông.

– An toàn với con người & môi trường: Sàn gỗ không chứa chất độc hại. An toàn cho sức khỏe con người khi sử dụng. Không ảnh hưởng xấu đến môi trường sống.

PHÂN LOẠI SÀN GỖ

SÀN GỖ TỰ NHIÊN

Sàn gỗ tự nhiên được sản xuất từ 100% cây gỗ tự nhiên. Được khai thai thác, gia công (cắt xẻ, sấy, chạy hèm – mộng,…) và xử lý để tạo ra những thanh ván sàn có kích thước, độ dày mỏng khác nhau.

Một số loại gỗ được khai thác làm sàn gỗ phổ biến như Sồi, Gõ Đỏ, Căm Xe, Chiu Liu, Tràm…Sàn gỗ tự nhiên có tính thẩm mỹ sắc nét, tinh tế, độ bền cao tạo nên những không gian đẳng cấp.

Cấu tạo sàn gỗ tự nhiên nguyên tấm:

– Gồm lớp gỗ tự nhiên và lớp phủ UV tạo độ cứng, chống trầy xước – thấm nước. Giữ màu sắc bền lâu, bóng đẹp theo thời gian.

Cấu tạo sàn gỗ tự nhiên ghép:

– Lớp bề mặt: Tấm gỗ dày 3mm có vân gỗ, màu sắc tự nhiên và phủ lớp UV trên cùng.

– Lớp lõi: Gỗ thịt tự nhiên xếp so le với lớp bề mặt nhằm giảm tỷ lệ giãn nở, co ngót, cong vênh.

– Lớp đế: Tấm gỗ đặc liền thanh, không ghép; lớp đế giúp tăng khả năng chống ẩm mốc, chống rung và cách âm.

Ưu điểm:

– Độ bền cao, bề mặt sàn cứng, chịu được áp lực tốt, chống ma sát – mài mòn – trầy xước tốt;

– Khả năng chịu ẩm, chịu nước tốt; khả năng giữ ấm vào mùa đông, làm mát vào mùa hè. Mang lại cảm giác dễ chịu khi tiếp xúc và sử dụng;

– Chất liệu tự nhiên cho màu sắc và đường vân đẹp, không có chất độc hại, thân thiện với môi trường. Không ảnh hưởng sức khỏe con người và giúp tinh thần thoải mái.

Nhược điểm:

– Phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu, khả năng gia công và lắp đặt. Xử lý không tốt có thể dẫn đến cong vênh, co ngót sau thời gian sử dụng.

– Gỗ tự nhiên đang bị khai thác lạm dụng, thậm chí có khả năng cạn kiệt một số dòng gỗ quý.

– Giá thành khá cao cho đến rất cao.

SÀN GỖ CÔNG NGHIỆP

Sàn gỗ công nghiệp là một loại vật liệu nhân tạo tổng hợp có cấu tạo từ bột gỗ tự nhiên và một số thành phần phụ như keo, phụ gia… Nguyên liệu được xử lý (sấy, nghiền, trộn,…) và ép nén công nghệ cao tạo ra ván gỗ công nghiệp.

Loại sàn này hạn chế một số nhược điểm của sàn gỗ tự nhiên như mối mọt, cong vênh do thời tiết,…Đang dần được ưa chuộng để thay thế sàn gỗ tự nhiên trong một số kiến trúc hoặc vị trí phù hợp.

Cấu tạo:

– Lớp phủ bề mặt: Lớp phủ trong suốt và có độ dày theo tiêu chuẩn từ AC1-AC5 giúp chống trầy xước, mài mòn. Bảo vệ sàn khỏi các tác động bên ngoài và tăng bộ bền cho sản phẩm.

– Lớp nền (tạo vân): Ứng dụng công nghệ in hiện đại giúp tạo hình ảnh, đường vân chân thực, tinh xảo.

– Lớp lõi (cốt gỗ): Được làm từ bột gỗ tự nhiên, công nghệ nén ép cao cấp cho sản phẩm (MDF hoặc HDF) bền, cứng chắc, tăng độ bền và ổn định cho sàn gỗ.

– Lớp đế: Lớp đế giúp cân bằng, chống cong vênh và chống ẩm, mối mọt, tăng tuổi thọ công trình.

– Hèm khóa: Là bộ phận lắp đặt và giúp ổn định sàn gỗ, các tấm ván không bị xô lệch, cong vênh.

Ưu điểm:

– Về chất lượng: Do được ứng dụng công nghệ cao giúp bền màu, chống trầy và tăng khả năng chịu tác động thời tiết, ngoại cảnh. Tốt hơn gỗ tự nhiên về chống mối mọt, ẩm mốc, co ngót, dãn nở…

– Về thẩm mỹ: Đa dang về màu sắc, đường vân tự nhiên và phong phú. Phù hợp tất cả phong cách kiến trúc hiện đại, cổ điển, công nghiệp,…Cho không gian sang trọng, đẳng cấp không thua kém gỗ tự nhiên.

– Về giá thành – thi công: Chi phí cho vật liệu thấp hơn sàn gỗ tự nhiên. Thi công dễ dàng, nhanh chóng với công nghệ hèm liên kết. Tháo dỡ để tái sử dụng đơn giản do không dùng keo, đinh cố định.

– Về an toàn và môi trường: Các sản phẩm có ký hiệu E1 an toàn cho sức khỏe người dùng; ký hiệu B1 có khả năng chống cháy lan. Sản phẩm được tận dụng gỗ xẻ, gỗ vụn tự nhiên giúp tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Nhược điểm:

– Thua kém gạch men, đá, bê tông ở khả năng chống nước. Đặc biệt khi bị ngập nước thời gian dài sàn gỗ công nghiệp sẽ bị hư hỏng.

– Tuổi thọ thua kém sàn gỗ tự nhiên. Sử dụng lâu dài 7-10 năm có thể bị phồng rộp, bong tróc, bong keo liên kết.

– Thị trường có khá nhiều sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng kém. Khách hàng cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn, thương hiệu và cửa hàng uy tín để lựa chọn sản phẩm chất lượng.

SÀN NHỰA

Với sự tiến bộ của công nghệ vật liệu, để khắc phục một số nhược điểm của sàn gỗ tự nhiên và sàn gỗ công nghiệp về khả năng chịu nước, về nguồn nguyên liệu,…Ứng dụng đa dạng hơn đối với trang trí ngoài trời thì sàn nhựa được ra đời.

Sàn nhựa sản xuất theo công nghệ, dây chuyền hiện đại. In vân tinh xảo và có độ cứng, dẻo dai kết hợp khả năng kháng nước tuyệt vời.

Thị trường có 3 loại sàn nhựa chính:  Sàn nhựa PVC (sàn nhựa dán keo), Sàn nhựa SPC (sàn nhựa hèm khóa) và Sàn nhựa WPC (sàn gỗ nhựa).

Cấu tạo chung của sàn nhựa

– Lớp phủ PU:  Giúp tăng độ cứng và căng bóng của bề mặt sàn. Bảo vệ độ bền màu cho sản phẩm;

– Lớp áo: Là lớp trong suốt và có tác dụng chống trơn trượt, nấm mốc, mài mòn, chống nước.

– Lớp tạo vân: Giúp tạo đa dạng vân, màu sắc chân thực và tinh tế: vân gỗ, vân đá,…

– Lớp lõi: Tạo thành từ nhựa PVC hoặc SPC, WPC. Có khả năng chịu lực tốt, chống cháy lan, chống cong vênh, độ đàn hồi tốt.

– Lớp đế nhựa: Được làm từ nhựa PVC, nhựa PE hoặc cao su non. Được liên kết bằng keo chuyên dụng giúp chống ẩm mốc, chống chống sự xâm nhập của hơi nước.

Sàn nhựa PVC (Sàn nhựa dán keo)

Sàn nhựa PVC (sàn nhựa dán keo) có dạng cuộn hoặc dạng miếng, được làm từ nhựa PVC tổng hợp với độ dày 1-3mm. Sàn nhựa dán keo có đặc tính mềm dẻo, có độ đàn hồi. Giá thành khá rẻ, nhiều mẫu mã và màu sắc. Tuy nhiên, chống trầy xước kém, không bền màu, thi công bằng keo dễ bong tróc, phồng dộp.

Ứng dụng loại sàn này giúp tiết kiệm chi phí cho một số cửa hàng, văn phòng, phòng cho thuê…

Sàn nhựa SPC (Sàn nhựa hèm khoá)

Sàn nhựa SPC (Sàn nhựa hèm khoá): Cấu tạo từ nhựa và bộ đá cùng các phụ gia cho sản phẩm cứng chắc với độ dày 3-10mm. Ngoài ra, chúng có hệ thống hèm khoá liên kết cho việc làm đặt dễ dàng, ổn định sàn.

Sàn nhựa hèm khóa không dùng keo độc hại. Thẩm mỹ với màu sắc và đường vân chân thực. Bền bỉ, chịu va đập, chống trầy xước, mài mòn tương đối. Chống trơn trượt và đặc biệt là chống nước, mối mọt rất tốt. Tuy nhiên, sàn nhựa hèm khóa cho cảm nhận chưa tốt về sự ấm cúng, chắc chân và có mức giá khá cao.

Sàn nhựa SPC được sử dụng khá rộng rãi trong nội thất nhà ở, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, trường học, văn phòng,…với các ứng dụng sàn, nền, tường, trần trong nhà.

Sàn nhựa WPC (Sàn gỗ nhựa)

Sàn nhựa WPC (sàn gỗ nhựa Composite) được hình thành từ quá trình trộn đều từ các thành phần, sau đó ép thành các hình dạng theo yêu cầu, với tỷ lệ như sau: Bột gỗ chiếm 50%, Hạt nhựa 38% (HDPE, PVC, PP, ABS, PS…), Chất tạo màu 5%, Hợp chất kết dính 7%.

Sàn nhựa WPC có ưu điểm chịu được ngâm nước, ánh nắng và khí hậu ngoài trời. Chống nấm mốc, chống trơn trượt, chống cháy lan, chống phai màu. Ngoài ra, sàn nhựa WPC có màu sắc khá tự nhiên và đa dạng, cho không gian sang trọng, đẳng cấp.

Nhược điểm của sàn WPC là giá thành tương đối cao, phát sinh chi phí bảo dưỡng định kỳ.

Sàn WPC được ứng dụng phổ biến cho những hạng mục ngoài trời như sàn hồ bơi, ban công, sân ngoài,…Xây dựng các rào chắn, lan can cho nhà; trang trí tường hoặc làm vật liệu che phủ ngoại thất.