SÀN VƯỢT NHỊP – ỨNG DỤNG TRONG NHÀ PHỐ
Sàn vượt nhịp là loại sàn có khẩu độ lớn. Hạn chế hoặc loại bỏ các cột giữa bằng cách ứng dụng kỹ thuật và công nghệ trong thi công công trình. Giúp mở rộng diện tích sử dụng, tăng chiều cao thông thủy. Giảm tải trọng nhưng vẫn đảm bảo khả năng chịu tải của công trình, đảm bảo tính thẩm mỹ.
Sàn vượt nhịp có thể phân thành 2 loại phổ biến là sàn bê tông truyền thống (sàn có dầm), sàn vượt nhịp lớn (sàn không dầm) với kích thước vượt nhịp khác nhau. Được ứng dụng linh hoạt, phù hợp với từng phong cách kiến trúc. Nhu cầu sử dụng, yêu cầu về thẩm mỹ và không gian khác nhau. Bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về sàn vượt nhịp nhé!
Contents
ƯU ĐIỂM CỦA SÀN VƯỢT NHỊP
– Việc hạn chế hoặc loại bỏ cột giúp không gian kiến trúc thông thoáng, rộng rãi.
– Tăng chiều cao thông thủy (sử dụng). Do đó giảm chiều cao tổng thể công trình và giảm tải trọng.
– Thuận lợi và linh hoạt trong bố trí kiến trúc, phân khu chức năng.
– Giảm bê tông sử dụng trong công trình giúp tiết kiệm nguyên liệu và chi phí thi công.
– Thuận lợi thi công hệ thống cơ điện, hệ thống kỹ thuật, việc lắp đặt cốp pha – cốt thép đơn giản. Rút ngắn thời gian thi công, giúp đẩy nhanh tiến độ và tiết giảm nguồn nhân lực.
– Bề mặt hoàn thiện sàn phẳng, mịn và đẹp làm tăng tính thẩm mỹ cho công trình. Một số phong cách kiến trúc có thể không cần hoàn thiện thêm vật liệu hay tô trát bề mặt sàn.
MỘT SỐ LOẠI SÀN PHỔ BIẾN TRONG NHÀ PHỐ
SÀN BÊ TÔNG TRUYỀN THỐNG
SÀN PHẲNG
Sàn phẳng truyền tải trọng một hoặc hai phương trực tiếp lên cột hoặc tường chịu lực.
Nhịp của sàn phẳng bị giới hạn bởi việc kiểm soát độ võng dài hạn, có chiều dài từ 6m đến 8m. Một số trường hợp sử dụng bê tông cốt thép ứng suất trước có chiều dài từ 8m đến 12m.
Sàn phẳng chưa ứng dụng nhiều trong nhà phố. Do khả năng chịu tải ngang hạn chế và cần phải kiểm soát độ võng dài hạn.
SÀN NẤM
Sàn nấm có một bản dày hơn ở vị trí cột và tường chịu lực được gọi là mũ cột. Đóng vai trò như dầm chữ T ở các vị trí gối đỡ. Mũ cột giúp tăng khả năng chịu lực cắt và độ cứng của sàn dưới tác động của tải trọng thẳng đứng.
Sàn nấm ít được ứng dụng trong nhà phố do có khả năng bị võng giữa sàn và nhịp bị giới hạn.
SÀN DẦM (SÀN TRUYỀN THỐNG)
Sàn dầm gồm các dầm nối giữa các cột tạo thành khung đỡ sàn. Các dầm cao giúp tăng độ cứng của sàn và giúp chống lại tải trọng ngang.
Sàn dầm truyền thống có nhịp trung bình nhưng lại tỷ lệ thuận với chiều cao dầm và bước cột. Chiều dày của sàn cũng tỷ lệ với chiều dài của nhịp.
Sàn dầm ứng dụng phổ biến trong nhà phố. Nhưng ít sử dụng đối với công trình cần vượt nhịp, hạn chế cột giữa.
SÀN SƯỜN – SÀN Ô CỜ
Sàn bao gồm các sườn bố trí khoảng cách bằng nhau theo 1 phương (sàn sườn) và theo 2 phương (sàn cô cờ). Xung quanh cột và vách thường được bố trí các bản đặc để chống lực cắt và mô men.
Chiều dày trung bình từ 300 đến 600mm cho nhịp lên tới 15m – 20m mà không cần cột giữa.
Sàn sườn có thể giảm giảm tải trọng sàn và có độ cứng lớn. Tuy nhiên việc thi công khá phức tạp, cốp pha đặc chủng và mức độ chống cháy thấp dẫn đến ít sử dụng trong nhà phố.
SÀN DẦM BẸT
Sàn này gồm các dải dầm song song chịu tải trọng từ sàn, bề rộng dầm lớn – chiều cao dầm thấp.
Nhịp của sàn dầm bẹt tối thiểu từ 7m-8m và không nên quá 12m. Một số trường hợp cần sàn vượt nhịp lớn hơn 12m có thể sử dụng thêm cáp ứng suất trước.
Sàn dầm bẹt ứng dụng trong một số trường hợp nhà phố vượt nhịp. Khi đó cần chú ý đến việc kiểm soát độ võng dài hạn và việc khó bố trí hệ thống kỹ thuật theo phương đứng.
SÀN PHẲNG LÕI RỖNG KHÔNG DẦM
Sàn vượt nhịp phẳng lõi rỗng không dầm một công nghệ xây dựng tiên tiến cho phép tạo ra các mặt sàn phẳng mà không cần sử dụng các dầm, cột giữa truyền và chịu tải. Từ đó tạo nên không gian sàn lớn vượt nhịp giúp tăng tính thẩm mỹ và tính ứng dụng thực tế của công trình.
Sàn có cấu trúc rỗng dạng bóng, hộp hoặc xốp đặt vào vùng trung hòa của kết cấu giúp giảm trọng lượng. Sàn được liên kết bằng các thanh nối, kết hợp với kết cấu thép vững chắc đảm bảo khả năng chịu tải lực.
SÀN BÓNG
Sàn bóng gồm hệ thống lưới thép trên dưới kết nối với nhau qua các bóng rỗng bằng nhựa tái chế ở giữa và các móc C kẹp giữ bóng ổn định trong quá trình thi công.
Sàn bóng bản chất là sàn phẳng với khoang rỗng, ít dầm – cột hoặc loại bỏ hoàn toàn dầm – cột. Có khả năng vượt nhịp lớn (lên đến 50% so với sàn truyền thống).
Việc thi công có chút khó khăn khi lắp đặt và giữ ổn định bóng nhựa tròn. Nếu bóng bị di chuyển vị trí hoặc bị vỡ sẽ giảm khả năng chịu lực của sàn.
Sàn bóng được ứng dụng linh hoạt các công trình nhà phố, biệt thự, villa và khá phổ biến trong các công trình khách sạn, trường học, tòa nhà, nhà xe…
SÀN HỘP
Sàn hộp là sàn sử dụng các hộp nhựa đặt vào miền trung hòa của bê tông cốt thép giúp giảm lượng bê tông sử dụng, giảm tải trọng. Vượt nhịp lớn và tiết kiệm chi phí xây dựng công trình.
Sàn vươn được các khẩu độ rất lớn từ 8m – 20m mà không cần đến dầm và cột giữa. Cho khoảng không gian rộng lớn, tối ưu diện tích sử dụng, dễ bố trí kiến trúc với độ thẩm mỹ cao.
Sàn hộp được cấu tạo chịu lực bởi 3 thành phần chính đó là : Bê tông, cốt thép, và hộp nhựa tạo rỗng. Trong đó:
– Bê tông chịu nén và đảm bảo độ võng cho cấu kiện sàn;
– Cốt thép chịu kéo & chống nứt;
– Hộp nhựa tạo rỗng trong sàn thường sản xuất từ nhựa PP. Không tham gia chịu lực khi bê tông đông cứng và chỉ có vai trò chịu tải trong quá trình thi công.
Sàn hộp được ứng dụng rộng rãi đối với các công trình cần sàn vượt nhịp lớn và sàn không có dầm – cột giữa như nhà phố có bề ngang lớn, biệt thự, villa. Sử dụng rất nhiều trong các khách sạn, trường học, trung tâm thương mại, nhà xe, nhà công nghiệp, bệnh viện,…Những công trình có bề ngang 8m – 12m và từ 5 tầng trở lên khi ứng dụng sàn hộp sẽ phát huy tối đa lợi ích kinh tế mang lại.
SÀN PHẲNG LÕI XỐP (SÀN XỐP)
Sàn xốp sàn sử dụng các hộp xốp đặt vào miền trung hòa của bê tông cốt thép giúp giảm lượng bê tông sử dụng. Sàn vượt được khẩu độ lớn với tải trọng nhẹ. Các hộp xốp hình chữ nhật kẹp bởi hệ khung không gian bao gồm thép lưới trên, dưới cùng hệ thép xiên để giữ ổn định hệ xốp theo phương ngang.
Sàn xốp cho khẩu độ sàn vượt nhịp tới 20m giúp tối ưu không gian. Giảm chiều cao tầng, giảm tải trọng và không cần hệ dầm – cột giữa.
Cấu tạo sàn xốp:
– Hộp xốp để tạo rỗng (38x38xH) Chiều cao H thay đổi theo nhịp và tải trọng.
– Thép chịu lực 2 lớp sàn trên & dưới.
– Hệ khung thép không gian giúp định vị và ổn định xốp. Phụ kiện ty chống nổi khi đổ bê tông.
– Bê tông sàn chịu nén, đảm bảo độ võng và liên kết hệ kết cấu toàn khối.
Cũng tương tự sàn hộp, sàn xốp có đầy đủ ưu điểm của sàn phẳng về thẩm mỹ. Tăng chiều cao thông thủy, tối ưu diện tích sử dụng, sàn nhẹ và sàn vượt nhịp lớn. Vì vậy, sàn xốp ứng dụng rộng rãi đối với các công trình cần sàn vượt nhịp lớn và sàn không có dầm – cột giữa như nhà phố có bề ngang lớn, biệt thự, villa. Sử dụng rất nhiều trong các khách sạn, trường học, trung tâm thương mại, nhà xe, nhà công nghiệp, bệnh viện,…