Thiết kế nhà cho người cao tuổi

THIẾT KẾ NHÀ Ở CHO NGƯỜI CAO TUỔI

Khi thiết kế một ngôi nhà cho người cao tuổi, cần tạo ra một môi trường sống an toàn và thuận tiện. Bởi người cao tuổi thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là xương khớp và giấc ngủ. Cùng The Box điểm qua một số quy tắc cần chú ý để thiết kế nhà sao cho an toàn với người cao tuổi nhé!

KHÔNG GIAN NÊN THIẾT KẾ RỘNG RÃI, THOÁNG ĐÃNG

Căn nhà với thiết kế rộng rãi và thoáng đãng, có đủ ánh sáng tự nhiên. Đảm bảo dễ dàng và thoải mái khi di chuyển trong căn nhà.

Giảm thiểu các vật cản trong không gian như cửa, bức tường. Tránh sử dụng các đồ nội thất cồng kềnh, có nhiều góc cạnh.

THIẾT KẾ CỬA RA VÀO LỚN

Cửa ra vào là yếu tố quan trọng khi xây nhà cho người cao tuổi. Cửa ra vào cần đủ rộng để xe lăn có thể dễ dàng đi qua.

Tay nắm cửa thiết kế chắc chắn để tránh tình trạng trơn trượt, khó khăn khi mở cửa. Nên chọn tay nắm cửa gạt thay vì núm vặn, do khi tay trơn ướt sẽ không đủ lực để mở cửa. Tốt nhất là sử dụng cửa trượt để tiết kiệm diện tích cho không gian. Vừa giúp thuận tiện cho người cao tuổi khi bước ra vào.

AN TOÀN – TIỆN LỢI – RIÊNG TƯ

Ở các vị trí tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như ban công, lô gia, cầu thang,… Bắt buộc phải có lan can, tay vịn đủ chiều cao tiêu chuẩn, phải đảm bảo chắc chắn, chịu lực tốt. Lan can an toàn trong xây dựng nhà ở tối thiểu từ 1.1 mét trở lên. Khoảng cách các thanh dọc của lan can không quá 100 mm.

Cầu thang cần phải thiết kế ít nhất có 1 tay vịn. Nếu cầu thang rộng bằng hoặc hơn 1200 mm thì phải có 2 tay vịn để đảm bảo độ chắc chắn khi di chuyển. Chiều cao thẳng đứng của tay vịn tính từ mũi bậc thang khoảng từ 900-1000 mm. Độ rộng một vế thang không nhỏ hơn 90 cm, độ rộng của mặt bậc thang từ 25-30 cm. Điều này sẽ giúp người già di chuyển cảm thấy thoải mái hơn.

Người già luôn có tâm lý thích không gian yên tĩnh, nên bố trí phòng ngủ ở khu vực không ồn ào. Phương án như cách âm tường để lọc bớt âm thanh, tạo sự yên tĩnh nên được cân nhắc trong thiết kế.

CHÚ Ý ĐẾN CHẤT LIỆU SÀN NHÀ CÓ ĐỘ BÁM CHẮC

Cũng giống với trẻ em, những ngôi nhà có người lớn tuổi cũng nên đặc biệt chú ý đến vật liệu lát sàn nhà. Hãy sử dụng loại sàn gỗ có thiết kế vân gỗ mờ, bám chắc, không trơn trượt, dễ vệ sinh. Hoặc gạch lát nền có bề mặt men matt (men mờ) để tăng độ ma sát.

Màu sắc của vật liệu lát sàn nên chọn gam màu nâu để không gian thêm phần ấm cúng. Bởi người lớn tuổi thường ưa thích phong cách truyền thống và đơn giản. Màu sắc quá sáng hoặc dùng gạch men bóng có thể hắt sáng cao, gây trở ngại và khiến giấc ngủ không sâu giấc.

THIẾT KẾ NHÀ VỆ SINH AN TOÀN

Nhà vệ sinh thường được thiết kế cạnh bên với phòng ngủ dành cho người lớn tuổi. Cân nhắc việc thiết kế trong phòng, điều này sẽ giúp người chăm sóc dễ dàng tiếp cận khi có sự cố xảy ra.

Khu vực phòng tắm cần phải chú ý nhiều nhất vì đây là nơi luôn có điều kiện ẩm ướt, trơn trượt, có nguy cơ té ngã rất cao. Do đó, việc lắp thêm các thiết bị hỗ trợ là điều cần thiết để đảm bảo sự an toàn và yên tâm sử dụng của người cao tuổi.

Tay nắm là một thiết bị quan trọng cần phải đưa vào thiết kế phòng tắm. Tay nắm được gắn vào các vị trí như gần vòi hoa sen, gần bồn tắm, gần toilet. Sử dụng thêm tấm thảm chống trơn trượt.

CHÚ Ý ĐẾN MÀU SẮC VÀ ÁNH SÁNG

Đối với người lớn tuổi, hãy chọn những gam màu nhẹ nhàng như trắng, xám tạo cảm giác thoải mái và yên bình. Tránh sử dụng các màu sắc rực rỡ hoặc quá tối có thể khiến không gian trở nên u ám và khó nhìn.

Tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên như mở cửa sổ và rèm vào buổi sáng. Điều này sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích tăng cường sức khỏe và tinh thần.

Việc chọn màu và ánh sáng không chỉ giúp cho người cao tuổi được nhìn rõ ràng hơn. Tránh gây căng thẳng mà còn tạo ra không gian sống thoải mái và ấm cúng.

KHÔNG GIAN HÒA MÌNH VÀO THIÊN NHIÊN

Người cao tuổi khi về già thường có thú vui là chăm sóc vườn tược, cây cảnh. Được hòa mình vào với thiên nhiên. Một không gian xanh là một yếu tố mang lại sự thư giãn và tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà. Bạn có thể thiết kế không gian xanh này ngay khu vực sinh hoạt (giếng trời). Trên sân thượng hoặc một khu sân vườn có thiết kế riêng. Tự trồng cây và chăm sóc khu vườn cũng là một hoạt động giúp người lớn tuổi có thể rèn luyện sức khỏe và tăng cường sự linh hoạt.