Mái kính giếng trời – Ưu và nhược điểm

MÁI KÍNH GIẾNG TRỜI – ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM

Mái kính giếng trời là thuật ngữ dùng để chỉ hệ mái che khu vực giếng trời (sân trong) nhà ở.  Hệ mái này khá phổ biến trong các dạng nhà phố (nhà ống) hiện nay. Với mục đích là lấy sáng, lấy gió và thông thoáng cho căn nhà.

Thông qua bài viết này, The Box mong muốn cung cấp thêm kiến thức để các bạn có được cái nhìn rõ hơn, cũng như hiểu thêm về các ưu nhược điểm của hệ mái này nhé!

VỊ TRÍ LẮP ĐẶT

Mái kính nói chung được lựa chọn để lắp đặt ở nhiều vị trí trong công trình như:
– Sảnh đón

– Sân trong, giếng trời

– Sân thượng

– Bể bơi, sân vườn,…

Với mái kính giếng trời, tên gọi của nó đã bao gồm vị trí lắp đặt. Đó cũng là phạm vi kiến thức được cung cấp trong bài viết này.

Mái kính được chia thành 2 loại:

– Mái kính cố định

– Mái kính di động

CẤU TẠO

Mái kính giếng trời thường được cấu tạo bởi 3 thành phần chính:

– Hệ khung chịu lực

– Vật liệu che phủ

– Khung bảo vệ

Hệ khung chịu lực của mái thường được làm bằng thép, sơn màu hoàn thiện. Trong một số trường hợp, tùy theo thiết kế kiến trúc, hệ khung này có thể được làm bằng bê tông, khung nhôm, nhựa ngoài trời,… Với giếng trời nhỏ, đôi khi hệ khung còn được bỏ qua để giảm chi phí.

Vật liệu che phủ thông thường sẽ là kính cường lực, kính an toàn. Để giảm cường độ ánh sáng, một số nơi sử dụng các viên gạch kính ở mái. Hoặc cũng có thể là tấm polycarbonate. Theo khuyến cáo của chúng tôi, khách hàng không nên sử dụng tấm lấy sáng này. Với đặc tính là mỏng, co ngót mạnh dưới thời tiết nóng – lạnh. Liên kết không đảm bảo với hệ khung dễ dẫn đến tình trạng lọt nước sau một thời gian sử dụng.

Hệ khung bảo vệ tùy từng trường hợp có thể sử dụng hoặc không. Khi thiết kế hệ khung bảo vệ nên cân nhắc độ thanh mảnh, tránh ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung của mái kính.

ƯU ĐIỂM

Mái kính giếng trời có khá nhiều ưu điểm, đặc biệt là đối với nhà phố (nhà ống) trong đô thị.

– Tăng khả năng lấy sáng cho các không gian bên dưới. Nơi mà mật độ xây dựng cao, khó đưa ra giải pháp lấy sáng từ 2 bên.

– Thông thoáng và lấy gió cho căn nhà. Điều này được thực hiện bởi nguyên tắc áp lực nhiệt (hay nguyên tắc ống khói). Bạn có thể tìm hiểu thêm ở bài viết:

https://thebox.com.vn/thong-gio-tu-nhien-cho-nha-ong-cac-giai-phap-thong-dung/

– Tạo thêm nét cá tính và độc đáo cho không gian. Mái kính nếu được chú trọng trong thiết kế sẽ đem đến trải nghiệm mới lạ và thú vị cho chủ nhân của căn nhà.

NHƯỢC ĐIỂM

Do vị trí tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, mưa. Mái kính cũng có những nhược điểm của nó:

– Dễ cong vênh, co ngót. Nếu gia công không đúng tiêu chuẩn, mái kính có thể tiềm tàng nguy cơ rơi vỡ – nguy hiểm cho người sử dụng.

– Thiết kế không hợp lý có thể khiến ánh nắng chiếu sâu xuống không gian bên dưới. Cùng với diện tích mái lớn, có thể gây bức xạ nhiệt cho cầu thang, sân trong,.. Đồng thời gây tác động xấu đến các vật liệu hoàn thiện. Trong một số trường hợp, ánh nắng gắt từ mái kính làm giảm liên kết của gạch – đá ốp tường, làm co ngót – cong vênh mặt bậc gỗ cầu thang,…

– Mái kính cũng đồng thời tiếp nhận 1 lượng mưa lớn trên bề mặt. Kèm với gió mạnh, mưa có thể tạt ngang gây ướt, thấm, ẩm khu vực sân trong. Đây là điều khó tránh khỏi với những cơn mưa lớn kèm gió.

THÔNG GIÓ CHO MÁI KÍNH GIẾNG TRỜI

Để hạn chế một số nhược điểm cố hữu của mái kính. Một số giải pháp đã được vận dụng để tăng lưu lượng gió thông qua không gian này mà vẫn đảm bảo các yếu tố khác như chống mưa tạt,…

– Sử dụng hệ lam gió bê tông

– Sử dụng gạch bông gió

– Sử dụng hệ lam nhôm lấy gió

– Dùng quạt hút cho mái kính,…