THIẾT KẾ NHÀ VỆ SINH ĐIỂN HÌNH TRONG NHÀ PHỐ
Nhà vệ sinh là một yếu tố quan trọng trong nhà ở. Thiết kế nhà vệ sinh hợp lý vừa tiện lợi trong sử dụng, đồng thời mang lại sự tinh tế cho không gian.
Trong nhà phố hiện nay, do diện tích đất vừa & nhỏ. Nhà lại trải dài theo phương dọc, nhu cầu công năng của người sử dụng lớn. Việc bố trí nhà vệ sinh như thế nào cho hợp lý cũng không hề đơn giản.
Hãy cùng The Box kiếm tìm thiết kế nhà vệ sinh điển hình và phổ biến thông qua bài viết này nhé!
Contents
ĐỊNH HÌNH PHONG CÁCH THIẾT KẾ
Do là một phần của tổng thể căn nhà. Phong cách thiết kế của nhà vệ sinh vì thế cũng chịu ảnh hưởng của phong cách chung căn nhà. Việc tôn trọng thiết kế tổng thể khiến không gian hài hòa và đồng nhất. Điều này thể hiện qua:
– Lựa chọn màu sắc, tone màu chủ đạo
– Lựa chọn vật liệu hoàn thiện
– Lựa chọn thiết bị phù hợp phong cách,…
Nhà vệ sinh cũng có thể được thiết kế tương phản phong cách chung, tuy nhiên không nên quá lạm dụng. Hoặc tạo ra sự tương phản thái quá, biến nó thành điểm nhấn ấn tượng nhất của căn nhà!
XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ NHÀ VỆ SINH TRONG NHÀ PHỐ
Nhà vệ sinh có đặc điểm khá thú vị. Vừa phải đảm bảo tiện lợi trong sử dụng, đồng thời phải kín đáo và tinh tế trong bố trí. Đó là một dạng đề bài mang đến nhiều thách thức cho kiến trúc sư.
Với nhà phố, thông thường sẽ có 3 vị trí lựa chọn bố trí nhà vệ sinh:
BỐ TRÍ PHÍA TRƯỚC MẶT TIỀN
Đây là lựa chọn ít được sử dụng, vì theo quan niệm mặt trước nhà phải dành cho các không gian trang trọng khác như: phòng ngủ, sinh hoạt chung, phòng thờ,… Nhà vệ sinh bố trí ở phía trước đa phần được áp dụng với những căn nhà phố có chiều ngang đủ rộng (thường là 6m). Khi đó việc bố trí không ảnh hưởng nhiều đến chức năng sử dụng của không gian còn lại. Việc bố trí này còn giúp thông thoáng và tạo không gian mới lạ cho nhà vệ sinh. Một số hình ảnh thường bắt gặp ở kiểu thiết kế này là dạng bồn tắm nằm view ra khoảng kính phía trước với góc nhìn đẹp mắt.
BỐ TRÍ Ở GIỮA NHÀ, GẮN VỚI CẦU THANG
Một kiểu bố trí có thể nói là “quốc dân”. Kiểu bố trí này được thấy ở đa số các nhà phố hiện nay. Đi cùng với thiết kế này là cầu thang dạng 2 vế chắn ngang nhà, các tầng trên sẽ bao gồm 2 phòng ngủ trước – sau. Mỗi vệ sinh sẽ nằm ở 2 bên vế thang, ngay cạnh hành lang ra vào phòng. Ưu điểm của dạng này là tính tiện lợi trong sử dụng, cầu thang kết hợp cùng nhà vệ sinh tạo thành 1 cụm công năng sử dụng riêng. Tuy nhiên, cách bố trí này khiến nhà vệ sinh không được thông thoáng. Thiếu ánh sáng tự nhiên và thoát mùi kém. Để bố sung cho sự thiếu hụt đó, các kiến trúc sư thường thêm vào giếng trời, sử dụng quạt hút mùi hoặc các hệ cửa bật nhằm gia tăng lưu thông gió.
BỐ TRÍ Ở CUỐI NHÀ
Vị trí này thường được áp dụng với nhà vệ sinh ở tầng trệt, nơi cuối nhà thường là sân sau, không gian khoảng lùi thoát hiểm. Hoặc với những nhà phố có chiều sâu ngắn, nhà vệ sinh cũng thường được thiết kế nằm ở phía sau cùng với cầu thang. Ưu tiên các không gian khác tiếp cận với mặt tiền.
CÂN NHẮC YẾU TỐ PHONG THỦY
Trong văn hóa Á Đông, rất chú trọng vấn đề Phong Thủy. Thiết kế nhà vệ sinh cũng không là ngoại lệ. Ngoài các yếu tố về thông thoáng, thoát mùi,… Cần cân nhắc các yếu tố sau:
– Nhà vệ sinh cần tránh bố trí nằm trên các không gian sử dụng: giường ngủ, bếp, phòng thờ,…
– Nên bố trí khu vực vệ sinh thành 1 trục theo phương thẳng đứng. Điều này giúp cho việc bố trí hệ thống kỹ thuật (cấp, thoát nước), tiết kiệm đường ống và giúp lưu thông đường ống dễ dàng.
– Cửa sổ nhà vệ sinh cần tính toán hợp lý, tránh việc nhìn vào từ các không gian chéo tầng. Tránh mở trực diện ra các không gian sinh hoạt khác của căn nhà. Quy cách mở cũng phải tính toán phù hợp với từng vị trí.
– Cửa đi của nhà vệ sinh là yếu tố rất được quan tâm trong phong thủy. Khi thiết kế phải tránh các yếu tố:
+) Tránh mở cửa nhà vệ sinh nhìn thẳng vào khu vực bếp, phòng ăn, phòng khách
+) Nếu nhà vệ sinh được bố trí trong phòng ngủ. Cần tránh mở cửa về phía đầu giường
+) Trong trường hợp bắt buộc phải mở cửa như vậy. Cần thiết kế các hệ vách chìm, giấu vị trí cửa nhằm tăng sự tinh tế trong sử dụng.
CÔNG NĂNG, KÍCH THƯỚC, BỐ CỤC NHÀ VỆ SINH
Nhà vệ sinh thông thường có 2 hình dạng phổ biến:
– Nhà vệ sinh hình chữ nhật
– Nhà vệ sinh hình vuông
– Ngoài ra còn có một số hình dạng khác được biến tấu theo nhu cầu thiết kế cụ thể
NHÀ VỆ SINH HÌNH CHỮ NHẬT
Với nhà vệ sinh hình chữ nhật, kích thước hợp lý là: 1,5 x 2,7 (m). Chiều rộng nhà vệ sinh nên đạt kích thước tối thiểu là 1,2 – 1,5 m. Kích thước này giúp thuận tiện trong sử dụng mà không bị vướng lối đi lại hay bố trí thiết bị. Đồng thời giúp khoảng rộng mở cửa được thoải mái, không bị cấn đụng. Chiều dài nhà vệ sinh khoảng 2,7 m là phù hợp. Với nhà vệ sinh hình chữ nhật, việc bố trí thiết bị từ ngoài vào thường là: lavabo -> xí -> tắm. Kích thước chiều dài 2,7 m giúp cho việc ngăn chia 3 khu vực này một cách thoải mái. Với kích thước tối thiểu cho mỗi khu vực là 0,9 m. Kích thước lọt lòng nên là module của 3, tương ứng với các loại gạch ốp lát phổ biến trên thị trường hiện nay (300 x 300, 300 x 600, …)
NHÀ VỆ SINH HÌNH VUÔNG
Nhà vệ sinh hình vuông, kích thước thường là 1,8 x 1,8 (m). Kích thước này giúp cho việc bố trí 3 khu vực sử dụng được thoải mái, với lavabo và xí ở 2 bên, khu vực tắm ở giữa. Cửa đi thường được thiết kế mở vào phía lavabo, tránh mở trực diện vào nơi tắm và xí.
NHÀ VỆ SINH GẮN VỚI CÁC KHÔNG GIAN KHÁC
Đối với những nhà vệ sinh có yêu cầu cao hơn như: có thêm vị trí để bồn tắm nằm, khu vực xông hơi, massage,… thì hình dáng nhà vệ sinh sẽ biến hóa hơn. Đồng thời kích thước cũng cần mở rộng ra,… Trường hợp này thường thấy ở các phòng ngủ master (phòng ngủ lớn), nơi mà nhà vệ sinh thường được kết hợp với phòng thay đồ, trang điểm,…
LỰA CHỌN VẬT LIỆU HOÀN THIỆN
Vật liệu hoàn thiện của nhà vệ sinh cần tuân thủ phong cách thiết kế chung. Bao gồm:
ĐÈN CHIẾU SÁNG
Nên sử dụng ánh sáng trung tính với mức độ chiếu sáng vừa phải. Kết hợp thêm ánh sánh từ đồ nội thất: tủ lavabo, đèn gương,… Nếu có thể nên thiết kế nhà vệ sinh tiếp xúc được với ánh sáng tự nhiên.
VẬT LIỆU ỐP – LÁT
Ngoài việc tuân thủ style thiết kế chung. Nên lựa chọn gạch ốp lát kỹ lưỡng, phù hợp. Cân nhắc chọn độ bóng, mờ cho từng vị trí cụ thể. Chất liệu gạch cũng cần được tính toán kỹ. Với gạch có chất liệu tốt, giá thành có thể cao hơn. Tuy nhiên bề mặt gạch phẳng, không cong vênh, co ngót, giúp hoàn thiện đẹp và độ bền cao hơn. Việc tạo dốc thoát nước, các điểm giao cắt cũng đẹp mắt và thẩm mỹ hơn. Việc vệ sinh, lau dọn cũng phải để ý. Một số gạch trang trí nhà vệ sinh hiện nay rất đẹp mắt và dễ khiến bạn đưa ra quyết định lựa chọn mà quên mất khả năng kỳ rửa, vệ sinh chúng sau một thời gian sử dụng.
Bạn có thể tham khảo một số tư vấn của The Box về lựa chọn gạch ốp lát nhà vệ sinh ở bài viết:
https://thebox.com.vn/gach-op-lat-nha-ve-sinh-nhung-dieu-can-luu-y/
VẬT LIỆU HOÀN THIỆN NỘI THẤT
Nhà vệ sinh là không gian ẩm ướt, cần cân nhắc các vật liệu phù hợp. Nên tham khảo tư vấn của các kiến trúc sư trong vấn đề này. Thông thường, để đảm bảo vấn đề thấm nước, các kệ tủ thường được khuyến cáo sử dụng vật liệu có gốc nhựa (picomat, WPB,…)
Bạn cũng có thể nghiên cứu kỹ hơn về các vật liệu nội thất trong bài viết:
https://thebox.com.vn/van-go-cong-nghiep-thuong-dung-trong-san-xuat-noi-that/
– Vách ngăn khu vực tắm: thông thường sử dụng các vách ngăn bằng kính cường lực. Tuy nhiên cũng còn nhiều lựa chọn khác bạn có thể tham khảo thêm ở:
https://thebox.com.vn/nhung-giai-phap-vach-ngan-phong-tam-thong-dung/
LỰA CHỌN THIẾT BỊ VỆ SINH
Thiết bị vệ sinh là một trong những thiết bị được sử dụng nhiều trong sinh hoạt hàng ngày.
Nó cũng chiếm một khoản chi phí đáng kể trong ngân sách. Do đó bạn cần có kiến thức về vấn đề này để có lựa chọn đúng đắn và phù hợp. The Box đã có bài viết chi tiết hướng dẫn việc lựa chọn thiết bị vệ sinh, bạn có thể tham khảo ở đường link sau:
https://thebox.com.vn/nhung-meo-hay-khi-lua-chon-thiet-bi-ve-sinh/